Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh 15 năm xây dựng và phát triển


ThS Nguyễn Văn Cương

Hiệu trưởng Trường Trung cấp VH,NT&DL Bắc Ninh

Bắc Ninh là vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời và là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát Dân ca Quan họ, Ca trù, Tuồng, Chèo, Trống quân, dòng nghệ thuật tạo hình Tranh dân gian Đông Hồ, gốm Luy Lâu, Phù Lãng...trong đó Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghề làm Tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của quê hương đồng thời đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh, ngay sau khi tái lập Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có chủ trương thành lập cơ sở giáo dục chuyên nghiệp công lập về văn hóa, nghệ thuật. Ngày 01/7/1998, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 39/1998/QĐ-UB, về việc thành lập Trường Trung học Văn hóa, Nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa-Thông tin. Để phù hợp với xu thế phát triển chung, ngày 27/9/2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND, về việc đổi tên và bổ sung nhiệm vụ của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh thành Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh đã trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng uy tín về năng khiếu văn hoá nghệ thuật; nguồn nhân lực ở trình độ trung cấp và trình độ thấp hơn về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và du lịch; nghiên cứu, ứng dựng khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển văn hoá, nghệ thuật, du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Gần 3000 học sinh tốt nghiệp (hệ TCCN, cao đẳng, đại học) từ nhà trường đã trở thành cán bộ quản lý, diễn viên, nhạc công, tuyên truyền viên, giáo viên dạy hát, dạy nhạc, dạy họa, hạt nhân văn hóa, nghệ thuật trong các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, các trường THCS, tiểu học, các địa phương trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Hiện tại, nhà trường có 04 khoa chuyên môn (Âm nhạc, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Mỹ Thuật, Nghiệp vụ Văn hóa Du lich) và 02 phòng chức năng (Phòng TCHCQT, Phòng Đào tạo và Công tác học sinh), 03 đơn vị sự nghiệp phục vụ sự nghiệp đào tạo (Trung tâm thực hành biểu diễn, Xưởng Mỹ thuật thực hành, Bộ phận Thông tin Thư viện) với đội ngũ 35 cán bộ, giáo viên, viên chức, nhân viên, trong đó có 04 thạc sỹ, 01 đang học cao học, 16 cử nhân, 01 nghệ sỹ Nhân dân, 02 nghệ sỹ ưu tú, nhiều thầy giáo, cô giáo là nhạc sỹ, họa sỹ, đạo diễn, nhà văn đồng thời là hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu. Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh đã và đang đào tạo 16 chuyên ngành, trong đó âm nhạc 08 chuyên ngành, mỹ thuật 03 chuyên ngành, nghiệp vụ văn hóa, du lịch 05 chuyên ngành. Ngoài ra nhà trường đã và đang liên kết với các trường đại học có uy tín mở các lớp liên kết đào tạo trình độ cử nhân, cử nhân cao đẳng, theo hình thức vừa làm, vừa học và liên thông từ trung cấp lên đại học. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nhà trường được xây dựng trên diện tích 1.966 m2, bao gồm khu làm việc của cán bộ, giáo viên 200m2, khu giảng đường 2.126,8m2, thư viện 30,8m2, nhà tập luyện đa năng 446m2, sân vườn 382m2; trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho công tác dạy và học tương đối đảm bảo như bộ nhạc cụ dùng giảng dạy chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ phương tây, hệ thống máy chiếu, máy vi tính, phòng học vi tính, bộ âm thanh, ánh sáng phục vụ thực hành biểu diễn... Trong những năm qua, nhà trường luôn tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi các trường TCCN do Sở GD&ĐT Bắc Ninh tổ chức, tham gia các cuộc liên hoan định kỳ do Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT tổ chức như: Liên hoan Âm nhạc và Triển lãm Mỹ thuật các trường VHNT toàn quốc, Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh, sinh viên các trường VHNT toàn quốc, Liên hoan tiếng hát học sinh, sinh viên… nhiều thầy giáo, cô giáo đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 15 lượt học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các trường TCCN do sở GD-ĐT Bắc Ninh tổ chức, 50 lượt học sinh đạt giải cao trong các cuộc Liên hoan âm nhạc, Triển lãm mỹ thuật, Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh, sinh viên các trường VHNT toàn quốc, các Hội thi văn hóa, nghệ thuật toàn quốc do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Những kết quả đã đạt được của học sinh nhà trường tại các cuộc liên hoan, hội thi, triển lãm do Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT tổ chức những năm qua đã khẳng định việc đào tạo, bồi dưỡng các tài năng của nhà trường được quan tâm và đạt kết quả tốt. Đồng thời với việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các hoạt động khác như bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, công tác quản lý học sinh, công tác ngoại khoá phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh…đều được nhà trường quan tâm và đạt những kết quả đáng khích lệ. Nhà trường đã hoàn thiện việc biên soạn giáo trình giảng dạy hát dân ca Quan họ, Quan họ đối đáp, Lý thuyêt Quan họ bâc TCCN, hệ chính quy 03 năm; đã hoàn thành biên soạn tài liệu dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Năm 2013, nhà trường tiếp tục triển khai kế hoạch biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ TCCN đối với các môn học như: Lịch sử Âm nhạc, Ký, xướng âm, Nhạc lý, Bố cục, Trang trí, Hát dân ca …Với thành tích đã đạt được, nhà trường 6 lần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng thưởng Bằng khen, 05 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 01 lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen, 02 lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng bằng khen và nhiều năm liên tục được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh. Đặc biệt là năm 2012 nhà trường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua xuất sắc. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhà trường đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đó là: công tác tuyển sinh hệ TCCN không đạt chỉ tiêu; cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp, phòng học đủ chuẩn phục vụ dạy và học chuyên ngành chưa có, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện dùng cho giảng dạy, học tập, thực hành biểu diễn thiếu thốn, lạc hậu, cũ nát, kinh phí đầu tư chưa cao; chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù đặc biệt là học sinh học dân ca Quan họ chưa được thực hiện; kỷ cương, nề nếp lỏng lẻo; công tác quản lý và ý thức hệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức, nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của nhà trường trong cơ chế thị trường hiện nay...Đây là những thách thức lớn mà nhà trường phải vượt qua trong thời gian tới.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết hội nghị TW 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị, về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, Kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Ninh; quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa  đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhà trường đề ra mục tiêu phát triển của Nhà trường trong giai đoạn tới là từng bước phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường cao đẳng đặc thù, đào tạo văn hóa, nghệ thuật và du lịch; đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; trung tâm đào tạo, truyền dạy dân ca Quan họ có uy tín trong tỉnh và cả nước; không ngừng mở rộng và hợp tác với các trường đại học có uy tín mở các lớp liên kết hệ đại học, liên thông từ trung cấp lên đại học; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học về văn hóa, nghệ thuật và du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên nhà trường đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Một là, đổi mới và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo: Ổn định và tiếp tục mở các mã ngành đào tạo chính quy theo yêu cầu của xã hội; tuyên truyền sâu rộng và thực hiện đồng bộ các hình thức cụ thể cho công tác tuyển sinh, như tuyên truyền trực quan bằng pano, tờ rơi, tuyên truyền bằng hình thực sân khấu hóa, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trực tiếp sơ tuyển tại cơ sở... Củng cố và xây dựng nề nếp, kỷ cương trong các hoạt động chuyên môn của nhà trường; đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, về kiểm tra, thi cử; tích cực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các đồ dùng, trang thiết bị hiện đại trong các giờ giảng theo đặc thù của từng chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về mọi mặt, tư tưởng, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục cử giáo viên đi đào tạo thạc sĩ, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghiên cứu khoa học…Tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong giảng dạy, học tập; chỉ đạo giáo viên biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy cho các môn học nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện việc rà soát, đánh giá, phân loại giáo viên làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án quy hoạch, luân chuyển, tạo sự đồng bộ và phát huy tối đa khả năng công tác của mỗi cán bộ, giáo viên cho sự nghiệp phát triển nhà trường. Cải tiến công tác quản lý, chỉ đạo, đổi mới công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch của các phòng, khoa. Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện kế hoạch của các đơn vị và cá nhân, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý chỉ đạo trên mọi lĩnh vực công tác; xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Tăng cường các hoạt động thực hành biểu diễn đề gắn kết giữa học đi đôi với thực hành; tăng cường thời gian cho học sinh đi thực tập tại cơ sở, học hát từ các nghệ nhân, thực hiện ba cùng với nghệ nhân. Tích cực đề nghị cấp có thẩm quyền cấp kinh phí để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo và các hoạt động chuyên môn theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và  học sinh; xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa, nghệ thuật”; xây dựng dự án chuyển địa điểm mới hoặc quy hoạch và xây lại trường tại địa điểm hiện nay, đồng thời xây dựng đề án nâng cấp trường thành trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch vào những năm tới. Tăng cường và mở rộng liên kết với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp giới thiệu và tìm việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hai là, tổ chức đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; mở rộng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Tuyển chọn và tổ chức đào tạo bài bản tài năng nghệ thuật thuộc các chuyên ngành: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, ca trù, nhạc cụ dân tộc, thanh nhạc, mỹ thuật, ogan, piano và các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống của tỉnh... Mở rộng chuyên ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của tỉnh, như: hướng dẫn viên du lịch, văn hóa du lịch. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu người học trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận về các chuyên ngành: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, ca trù, nhạc cụ dân tộc, thanh nhạc, mỹ thuật, ogan, piano, lễ tân văn phòng, lễ tân ngoại giao, bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức sự kiện...Liên kết tổ chức các lớp đào tạo, truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây nguyên; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như: nghề gốm, trạm khắc gỗ, trang trí mây tre đan, tranh...

Ba là, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy: liên kết với Đại học văn hóa Hà Nội tổ chức các lớp đào tạo trình độ Đại học các chuyên ngành: văn hóa du lịch, quản lý văn hóa, thư viện, bảo tàng...; liên kết với Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương tổ chức lớp liên thông từ trung cấp lên đại học ở các ngành sư phạm nhạc, sư phạm họa;  liên kết với Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức lớp hệ cao đẳng chuyên ngành hành chính, văn thư, lưu trữ. Liên kết đào tạo TCCN với các đơn vị ngoài tỉnh, như: Trung tâm giáo dục thường xuyên Cao Bằng, Trường Trung cấp VHNT&DL Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La...

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục: phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục học sinh, định kỳ liên hệ với gia đình học sinh thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công Đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác cùng tham gia hoạt động giáo dục; chủ động phối hợp với Phòng VH&TT, Trung tâm VH-TT các huyện, thị xã, thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền giới thiệu về nhà trường, các bộ môn nhà trường đào tạo, công tác tuyển sinh. Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và một số địa phương trong và ngoài tỉnh, đây là một biện pháp tiếp cận với môi trường xã hội, giúp học sinh áp dụng những kiến thức tiếp thu trên lớp vào thực hành. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư cho giáo dục vào nhà trường.

Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các hội đồng tư vấn: tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng Đảng trong trường học. Tăng cường vai trò của chi bộ trong việc lãnh đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của nhà trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát huy khả năng, năng lực vận động đoàn viên, hội viên phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để có được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, viên chức, giáo viên và học sinh Nhà trường, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh đã thường xuyên nhận được sự quan tâm và giúp đỡ có hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Vụ Đào tạo (Bộ VH,TT&DL), Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc Sở VH,TT&DL, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, các sở, ban, ngành trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương, phòng VH&TT, Trung tâm VH-TT các huyện, thị xã, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đóng trên đại bàn tỉnh, các trường Trung cấp VHNT&DL toàn quốc, các nhà khoa học, các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh… Chúng tôi trân trọng ghi nhận, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, của bạn bè trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Tự hào với truyền thống vẻ vang của Nhà trường, thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh hôm nay quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của mình nhằm viết tiếp những trang vàng lịch sử truyền thống của Nhà trường, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.